Trong các lĩnh vực của kinh doanh thì tài chính là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và đòi hỏi ứng dụng công nghệ số một cách nhanh chóng và triệt để.
Chuyển đổi số tài chính là một trong những yếu tố then chốt
Hội thảo, triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 đã diễn ra sáng nay (17/11) sau 2 năm gián đoạn. Hội thảo lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính” với nhiều phiên hội thảo chuyên sâu trong lĩnh vực chuyển đổi số tài chính nhằm tạo ra một diễn đàn giữa các nhà quản lý, nhà xây dựng chính sách, các chuyên gia công nghệ thông tin cùng thảo luận để xây dựng chính sách.
Theo ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục tin học và thống kê tài chính, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực khác.
Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số để phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đồng thời, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân.
Trong kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số và nền tài chính thông minh với các lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 “không”…
Ông Trí cũng kỳ vọng, các chuyên gia tại hội thảo sẽ thảo luận để làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính. Đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số, phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể. Cập nhật các xu hướng mới, đề xuất những giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, Internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành tài chính.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao các kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện Nghị quyết 52 nói chung và trong chuyển đổi số nói riêng.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Ban Kinh tế Trung ương đang xây dựng Báo cáo giám sát 3 năm thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Do đó, các kết quả và kinh nghiệm triển khai trong thực tiễn của Bộ Tài chính sẽ có giá trị tham khảo tốt cho các bộ, ngành.
Cần liên thông giữa các hệ thống thông tin tài chính
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới, chuyển đổi số là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đã bắt đầu hành trình này từ năm 2020 khi xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Việc sử dụng các nền tảng số của Chính phủ, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội tại Việt Nam tăng mạnh.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đã vươn lên vào danh sách các quốc gia nhóm B (cùng Trung Quốc, Indonesia…) khi có những bước tiến đáng kể về mức độ trưởng thành trong quản trị số, phát triển Chính phủ số. Ông Andrea Coppola đánh giá, điều này có được là nhờ nỗ lực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho người dân thông qua các công cụ số.
Chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cũng dánh giá cao hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính, nhất là trong xây dựng hệ thống thông tin kho bạc, thuế, hải quan… mang đến thuận lợi cho người đan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Andrea Coppola cho rằng, tính tương tác và liên thông trong vận hành giữa các hệ thống này cần được cải thiện bởi hiện nay vẫn còn phát triển riêng lẻ.