Chuyển đổi số là một hành trình liên tục đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải liên tục thích ứng và phát triển để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Xu hướng 1: Sự phủ sóng của 5G và Internet vạn vật (IoT)

Internet vạn vật (IoT) là sự kết hợp của nhiều thiết bị được kết nối với nhau. Đây là một hệ thống thông minh được hình thành cho phép chia sẻ, phân tích dữ liệu và cho ra những thông tin hữu ích tới người dùng.

IoT là xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ với ước tính 700 triệu thiết bị kết nối hiện nay. Xu hướng này sẽ bùng nổ trong tương lai gần với sự xuất hiện của 5G. IoT băng thông rộng (4G / 5G) đang thay thế 2G và 3G để trở thành phân khúc với tỷ lệ ứng dụng IoT lớn nhất trên toàn cầu.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng 5G và IoT tới thời điểm hiện tại là đang là một xu hướng chuyển đổi số 2022 mới mẻ. Nhưng trên thực tế, trên thế giới đã có những công ty và tập đoàn tiên phong ứng dụng kết hợp cả hai công nghệ trên và đã có kết quả khả quan.

Ứng dụng 5G và IoT vào chuyển đổi số

Ví dụ doanh nghiệp đã áp dụng xu hướng trên:

– Trên thế giới: có Ericsson. Ericsson đã đạt được một số thành tựu bao gồm thời gian thiết kế quy trình đã giảm 75%; tỉ lệ đĩa lỗi giảm từ 25% xuống còn 15%; hãng đã tiết kiệm 360 triệu Euro / năm.

– Tại Việt Nam: Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là khu công nghiệp đầu tiên toàn quốc đưa 5G và các thành tựu của cách mạng 4.0 áp dụng trong sản xuất. Dự án được ký kết ngày 14/11/2021 giữa UBND tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng cho sản xuất thông minh tại Việt Nam.

Xu hướng 2: Chú trọng về bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh mạng

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa của các nhân viên cũng như chuyển đổi số của các doanh nghiệp bằng cách dịch chuyển nhiều hoạt động làm việc lên môi trường số. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy những dữ liệu doanh nghiệp gia tăng rủi ro về an toàn và bảo mật thông tin.

Trong năm 2020, tại Việt Nam, 23 phần mềm độc hại liên quan đến COVID-19 đã bị phát hiện. Theo đó, nhân viên khi nhấn vào những tập tin chứa mã độc này thì tin tặc dễ dàng đoạt quyền điều khiển máy tính, gây ra các nguy cơ bao gồm truy cập trái phép vào các cuộc họp trực tuyến, lộ dữ liệu nội bộ, gửi tin rác vv.

Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng trong xu hướng chuyển đổi số

Với các doanh nghiệp, việc chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng trong xu hướng chuyển đổi số là điều tất yếu. Trong số đó, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) đang là hai công nghệ được áp dụng nhằm phóng chống rủi ro an ninh mạng.

2 công nghệ trên là yếu tố tối quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống bảo mật tự động, nhận diện và phát hiện mối đe dọa tự động. Hai công nghệ này có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu với tốc độ nhanh và chính xác hơn nhiều so với thao tác thủ công. Điều này có lợi cho cả các công ty lớn với lượng lớn dữ liệu và các công ty vừa hoặc nhỏ do thiếu hụt nguồn nhân lực.

Xu hướng 3: Tự động hóa mô hình kinh doanh

Tự động hóa quy trình kinh doanh (BPA) là việc sử dụng phần mềm số để tự động các bước công việc nhiều bước và trùng lặp. So với các hình thức tự động hóa khác, các giải pháp BPA có xu hướng phức tạp, được kết nối với nhiều hệ thống công nghệ thông tin doanh nghiệp (CNTT) và được điều chỉnh cụ thể theo nhu cầu của từng công ty.

Siêu tự động hóa sẽ là một xu hướng chuyển đổi số lớn vào năm 2022.

– Theo Gartner, 77% doanh nghiệp thường xuyên kết hợp, phát triển ứng dụng tự động hóa và các công cụ AI trong công việc thường nhật của họ. Nó xác định cách các công nghệ như máy học (machine learning), tự động hóa quy trình robot (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI), low code và những công nghệ khác.

– 93% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sử dụng BPA vào năm 2023, theo báo cáo của công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte. Hầu hết các doanh đã sử dụng và đang có kế hoạch triển khai các sáng kiến tự động hóa nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược, chẳng hạn như cải thiện năng suất (96%) và hiệu quả hoạt động (93%) và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn (93%) (3).

– Tại Việt Nam, theo ông Dương Lê Minh Đức, chuyên gia Giải pháp FPT.AI của Tập đoàn FPT, một ngân hàng tại Việt Nam khi ứng dụng giải pháp dựa trên công nghệ A.I và BPA của FPT để tự động hóa quy trình đã rút ngắn 80% thời gian chờ đợi của khách hàng.

Xu hướng 4: Các giải pháp không tiếp xúc và thanh toán kỹ thuật số

Bảng giá trị giao dịch của thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam từ 2017 đến 2025

Theo Statista, giá trị giao dịch trong cả 2 phân khúc của Việt Nam đều đang ở mức cao và dự phóng sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian sắp tới (2025), qua đó dự kiến đạt 19,5 tỷ đô la cho thương mại kỹ thuật số và khoảng gần 4 tỷ đô la Mỹ cho thanh toán POS di động vào năm 2025.

Bảng số lượng người dùng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam từ 2017 đến 2025

Trong khi đó, số lượng người dùng của thương mại kỹ thuật số lại có mức tăng trưởng và dự báo tốt hơn so với thanh toán qua POS di động (có dấu hiệu chững lại hơn trong giai đoạn dự báo 2021 – 2025).

Các loại ví điện tử hiện nay cũng nổi lên như một phương pháp thanh toán không tiếp xúc:

Bảng sơ đồ mức độ phổ biến của các loại ví điện tử thông dụng tại Việt Nam

Theo Decisionlab, ba ví điện tử phổ biến nhất trên thị trường lần lượt là Momo, ShopeePay (AirPay) và ZaloPay, dựa trên tỷ lệ thâm nhập. Các ví điện tử này có những sự khác biệt nhất định. Trong khi Momo là một Ví điện tử độc lập, ZaloPay và ShopeePay hợp tác với các nền tảng đã có tên tuổi (Zalo và Shopee).

Xu hướng 5: Sự bùng nổ của nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP)

  • CDP giúp truyền tải thông điệp đến khách hàng

Nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP) là nguồn dữ liệu khách hàng quan trọng để doanh nghiệp có thể tận dụng khi xây dựng những chiến dịch truyền thông, tiếp thị và marketing. Sử dụng CDP sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp được cá nhân hóa và hấp dẫn tới khách hàng của mình.

  • CDP đã được ứng dụng tại các doanh nghiệp Đông Nam Á

Trong những năm trở lại đây, việc ứng dụng CDP trong kinh doanh đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng chuyển đổi số, khi mà các chiến lược “cá nhân hóa” tiếp thị và bán hàng dựa trên nền tảng CDP của nhiều doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á được ứng dụng thành công.

Bên cạnh đó, việc hướng đến trải nghiệm khách hàng đa kênh (Omnichannel) đang buộc các nhà bán lẻ phải suy nghĩ lại về cách liên hệ với khách hàng và làm tối ưu và thú vị cho hành trình của khách hàng trên tất cả các kênh và điểm tiếp xúc.

  • CDP sẽ là công cụ tiếp thị và bán hàng cho người dùng cuối để cung cấp cái nhìn toàn cảnh 360° cho khách hàng.

Ở thị trường Việt Nam, CDP có thể được điều chỉnh để tích hợp vào hệ thống POS & ERP – hai hệ thống xuất hiện ở hơn 90% chuỗi bán lẻ của Việt Nam. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp thị tới từng khách hàng qua Zalo, Tiki, Sendo, tin nhắn, hoặc hệ thống chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, CDP không chỉ dành cho bộ phận tiếp thị mà cũng có thể được sử dụng bởi bộ phận tài chính và CNTT để đưa ra quyết định nhanh chóng về dịch vụ, sản phẩm và các khoản tiêu dùng khác của công ty.

Xu hướng 6: Kiến trúc đa đám mây – Multi-cloud

Kiến trúc đa đám mây được hiểu là sử dụng cùng lúc từ hai trở lên các nền tảng điện toán đám mây khác nhau vì nhiều lý do, bao gồm khôi phục sau sự cố, yêu cầu lưu trú dữ liệu và khả năng phục hồi.

  • Nâng cao năng suất làm việc

Bằng cách cung cấp giải pháp quản lý tập trung, đơn giản hóa, multi-cloud cho phép các nhóm CNTT quản lý các dữ liệu và công việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, một giải pháp quản lý đa đám mây tốt còn theo dõi và tối ưu hóa việc quản lý chi phí.

  • COVID – 19 thúc đẩy xu hướng kiến trúc đa đám mây

COVID-19 cũng đã tạo ra một động lực thúc đẩy việc áp dụng kiến ​​trúc đa đám mây gia tăng khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thêm các lựa chọn để đưa ra giải pháp quản lý mô hình làm việc hiện đại, bao gồm sự chú trọng nhiều hơn vào việc cho phép làm việc từ xa và bảo mật.

Trở ngại của xu hướng này chính là việc quản lý cơ sở hạ tầng ngày càng trở nên phức tạp. Các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm các giải pháp tự động hóa và quản lý đám mây để quản lý hiệu quả các môi trường đám mây khác nhau.

Xu hướng 7: Mô hình làm việc kết hợp – Hybrid work

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời điểm hiện nay, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Hybrid Working (Mô hình làm việc kết hợp) được áp dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp, cho phép nhân viên làm việc linh hoạt tại nhà & văn phòng. Tùy theo nhu cầu và đặc thù của doanh nghiệp sẽ chỉ định một vài bộ phận làm tại văn phòng, một vài bộ phận làm việc tại nhà hoặc luân phiên cả 2 hình thức.

Trong năm 2020, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải cho phép nhân viên làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Mô hình lai này tạo ra sự kết hợp lý tưởng và được các nhân viên đánh giá cao và đón nhận nhiệt tình. 42% nhân viên Việt Nam đồng thuận với ý tưởng làm việc từ ba đến bốn ngày mỗi tuần tại nhà.

Ở chiều ngược lại, 59% người sử dụng lao động sẽ hạn chế mô hình làm việc kết hợp (4). Nhìn chung, mô hình làm việc kết hợp chưa được chấp nhận rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên các tập đoàn đa quốc gia đã bước đầu định hình được xu hướng này và đã có sự thay đổi trong góc nhìn của các tổ chức nói chung trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, các công ty có thể cân nhắc triển khai các công cụ và hệ thống áp dụng các công nghệ mới ví dụ như giám sát tiến độ từ xa, quản lý tài liệu và cộng tác với khách hàng,… để đảm bảo công việc trơn tru cũng như bắt kịp xu thế chuyển đổi số hiện nay.

Xu hướng 8: Ứng dụng phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp

Hầu hết các tổ chức hiện nay đều đã hiểu được những tiềm năng của việc đầu tư vào các ứng dụng phân tích dữ liệu. Những công cụ này hứa hẹn sẽ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và ra quyết định tốt hơn.

Ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp

Theo báo cáo của MicroStrategy, 90% người tham gia khảo sát cho rằng dữ liệu và phân tích là yếu tố quyết định trong các sáng kiến ​​chuyển đổi số của doanh nghiệp. Phân tích dữ liệu là chìa khoá để hiểu rõ bức tranh của khách hàng và tạo tiền đề cho các giải pháp sáng tạo, chiến lược quảng cáo và tiếp thị được cá nhân hóa và phù hợp với mục đích định hướng.

Việc áp dụng các công cụ phân tích dữ liệu triệt để trong kinh doanh mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế cạnh tranh, đưa ra các quyết định nhanh và chính xác hơn, đề xuất mô hình dự đoán.

Bên cạnh đó, những công cụ có thể phân tích thực trạng của khách hàng và định hình lại bức tranh toàn cảnh 360 độ khách hàng. Các bộ dữ liệu khác nhau bao gồm hành vi mua, tâm lý người tiêu dùng và thông tin nhân khẩu học được tổng hợp và xem xét, từ đó tìm ra các mối tương quan ẩn mà con người không thể dễ dàng quan sát được.

Tại sao chuyển đổi số là xu thế bắt buộc hiện nay là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Có thể nói, việc chuyển đổi số đóng vai trò thiết yếu đối với chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Với 8 xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp được phân tích ở trên, các doanh nghiệp có thể tham khảo và đưa ra các chiến lược kinh doanh mới gắn với chiến lược chuyển đổi số.

Rate this post